Thứ
trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/CP
hướng dẫn thi hành Luật đã quy định rõ việc thành lập Văn phòng Đăng ký
đất đai. Thực tế, mô hình này trước khi được quy định trong Luật và các
Văn bản hướng dẫn đã được thí điểm ở một số địa phương và thu được nhiều
kết quả, khắc phục nhiều hạn chế của Văn phòng hai cấp (tỉnh, huyện)
như hiện nay. Hiện, đã có một số địa phương triển khai Văn phòng, tuy
nhiên vấn đề đặt ra là cần có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của các Văn phòng.

“Một
trong những nhiệm vụ quan trọng của Văn phòng là cập nhật, chỉnh lý hồ
sơ địa chính, dữ liệu địa chính. Bởi, thời gian qua, chúng ta thực hiện
nhiều dự án đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Nếu không cập nhật
thì các số liệu này chỉ 2 – 3 năm là bị lạc hậu, không dùng được, đồng
nghĩa với số tiền hàng trăm triệu USD đầu tư cho công tác này trở thành
lãng phí”, Thứ trưởng khẳng định.
Tại
Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung quy định
trong Dự thảo Thông tư liên tịch như về cơ chế hoạt động, nguồn nhân lực
nhiệm vụ của các Văn phòng.
Đại
diện Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Hải Phòng cho rằng, cần bỏ
việc đo đạc lập bản đồ địa chính, bản đồ chuyên đề ra khỏi chức năng,
nhiệm vụ của Văn phòng, bởi ở nhiều địa phương đã giao cho đơn vị khác
thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, bỏ nhiệm vụ tư vấn và thực hiện lập
đề án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Tuy
nhiên, đại biểu tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh thì lại đề nghị
giữ nguyên các nhiệm vụ này như trong Dự thảo và bổ sung thêm một số
nhiệm vụ có liên quan khác.
Thứ
trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Tổng
cục Quản lý đất đai rà soát, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội
thảo. Đồng thời, yêu cầu quy định rõ trong Dự thảo cơ cấu tổ chức của
Văn phòng và các chi nhánh, cả về tên gọi, chức danh chi nhánh cho thống
nhất. Về cơ chế hoạt động, phải quy định rõ: Nhà nước trả kinh phí cho
các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý Nhà nước; người dân và doanh
nghiệp phải trả phí cho các dịch vụ công. Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí
cho người dân thực hiện các dịch vụ công ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng
xa.
Ngoài
ra, cần quy định rõ việc phối hợp giữa Văn phòng với UBND các quận,
huyện theo nguyên tắc: Văn phòng cung cấp số liệu phục vụ việc quản lý
Nhà nước cho địa phương, đồng thời cũng giám sát việc quản lý đất đai
của địa phương.
Dự
thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ
hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt
động của Văn phòng Đăng ký đất đai, đơn vị trực thuộc Sở TN&MT có
chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản gắn với đất, đồng thời,
xây dựng, quản lý, cập nhật và chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ
sở dữ liệu đất đai. Ngoài ra, thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và
cung cấp thông tin đất đai theo quy định.
Theo
dự thảo, về cơ cấu tổ chức, Văn phòng có 1 Giám đốc và không quá 3 phó
Giám đốc, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh này theo phân cấp quản
lý cán bộ của UBND cấp tỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh theo quy
định. Văn phòng có các phòng chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ về hành
chính tổng hợp, kỹ thuật, đăng ký, thống kê… và các chi nhánh tại các
quận, huyện, thị xã các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về
cơ cấu tài chính, các Văn phòng thực hiện cơ chế tài chính theo quy
định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức
bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Trong
đó, kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp gồm: kinh phí thực hiện thủ tục
cấp sổ đỏ lần đầu; đăng ký thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất,
nhà ở và tài sản gắn liền với đất; cấp đổi sổ đỏ; đo đạc, lập, chỉnh lý
bản đồ địa chính; duy trì, bảo dưỡng thường xuyên cơ sở dữ liệu đất đai…
Nguồn thu sự nghiệp gồm: thu phí lệ phí được để lại cho đơn vị sử dụng
theo quy định của Nhà nước; thu từ dịch vụ phù hợp với chuyên môn.
Trường Giang