Đánh giá cao sự quan tâm, phối hợp tích
cực của các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, Thành phố cùng các cấp ủy
đảng, chính quyền ở địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện các
nội dung cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Thế giới trong
quá trình thực hiện Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý
đất đai Việt Nam - Dự án VLAP”, đến nay, hầu hết các chỉ tiêu theo cam
kết đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu; đặc biệt, đã xây dựng được một nền tảng
hạ tầng cơ bản phục vụ cho công tác quản lý đất đai đó là hệ thống hồ sơ
địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai đầy đủ, đồng bộ. Trên cơ sở đó, các
địa phương đã đưa vào vận hành khai thác, sử dụng hữu ích cho công tác
quản lý đất đai, hầu hết các nội dung quản lý nhà nước về đất đai đã
được tác nghiệp trực tiếp trên cơ sở dữ liệu trong môi trường hiện đại
đã giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính, việc công khai,
minh bạch đã được khẳng định rõ ràng, cơ sở dữ liệu địa chính được
thường xuyên cập nhật đảm bảo tính chính xác và thống nhất. Một số địa
phương đã và đang thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu địa chính với cơ
quan thuế, ngân hàng góp phần giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành
chính trong lĩnh vực đất đai được dư luận đánh giá cao như Vĩnh Long,
Thái Bình và Hà Nội. Các tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp tra cứu hoặc
cung cấp thông tin đất đai trên môi trường Web mà không nhất thiết phải
trực tiếp đến cơ quan nhà nước. Ngoài ra, đã phối hợp với cơ quan Bưu
chính viễn thông để ứng dụng cung cấp thông tin đất đai và thông báo trả
kết quả xử lý các giao dịch về đất đai thông qua hình thức SMS như Vĩnh
long, Thái Bình, Hà Nội và Khánh Hòa. Đặc biệt, thông qua hình thức
chia sẻ kinh phí cung cấp thông tin đất đai với cơ quan Bưu chính viễn
thông, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Long đã đảm bảo được một phần
kinh phí hoạt động giảm gánh nặng ngân sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt
được, vẫn còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến kết quả đầu tư và bền
vững của Dự án sau khi kết thúc. Đó là, mặc dù các địa phương đã bố trí
ngân sách trả thuê bao đường truyền để duy trì và vận hành hệ thống
thông tin đất đai, nhưng chỉ có tỉnh Vĩnh Long đã đảm bảo việc liên
thông từ cấp xã - huyện – tỉnh, các tỉnh, thành phố còn lại chỉ bố trí
kinh phí thuê bao đường truyền đến cấp huyện, do đó việc kết nối liên
thông và vận hành hệ thống xã - huyện - tỉnh theo thiết kế của Dự án
chưa được đảm bảo; một số tỉnh còn tồn đọng giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã ký
nhưng chưa trao cho người sử dụng đất như Bình Định và Tiền Giang.
Vì vậy, để bảo đảm tính hiệu quả và bền
vững của sản phẩm, đưa công tác quản lý đất đai sớm đi vào nề nếp, chính
quy và hiện đại, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đề nghị Chủ tịch các tỉnh,
thành phố nêu trên tiếp tục quan tâm, lãnh đạo các cấp ủy đảng, Ủy ban
nhân dân các cấp, các ngành địa phương chỉ đạo thực hiện việc bố trí
kinh phí cho Văn phòng đăng ký đất đai và thuê bao đường truyền hàng năm
để bảo trì, vận hành và khai thác hệ thống theo mô hình liên thông xã -
huyện - tỉnh, đảm bảo hệ thống được hoạt động liên tục thông suốt; chỉ
đạo các ngành tổ chức liên thông dữ liệu, trước mắt là TN&MT, tài
chính, ngân hàng và xây dựng, đảm bảo việc ứng dụng công nghệ thông tin
cung cấp dịch vụ công về đất đai ở mức độ 3 vào năm 2017. Bên cạnh đó,
rà soát, phân loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
và tài sản khác gắn liền với đất đã ký để tổ chức trao cho người sử
dụng đất; chỉ đạo Sở TN&MT tổ chức thực hiện việc quản lý và vận
hành cơ sở dữ liệu đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai và các chi
nhánh, thực hiện liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa
mục tiêu và triển khai việc cung cấp thông tin cho người dân và doanh
nghiệp được hiệu quả. Đặc biệt, quan tâm tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật đất đai để người sử dụng đất hiểu và thực hiện đúng trách
nhiệm của người tham gia giao dịch đất đai; chỉ đạo các cơ quan truyền
thông ở địa phương thực hiện phổ biến thông tin, tuyên truyền, phản ánh
đầy đủ, kịp thời tình hình thực hiện ở địa phương.
Bộ TN&MT rất mong nhận được sự quan
tâm, chỉ đạo của các đồng chí Chủ tịch các tỉnh, thành phố cùng các cấp
ủy đảng, chính quyền ở địa phương nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất ý
chí hành động để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng này ở địa
phương, góp phần đưa công tác quản lý đất đai sớm đi vào nề nếp, chính
quy và hiện đại.
CTTĐT