Luật
Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định về quản lý tổng hợp tài
nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách
nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên,
bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam
Luật tạo hành lang pháp lý cho quản lý
thống nhất tài nguyên biển và hải đảo theo chiến lược khai thác, sử dụng
bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế
hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài
nguyên vùng bờ; bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên
tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai
thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới
hạn chịu tải của môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo; đồng thời
phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, cũng như tạo điều
kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan tham
gia tích cực và hiệu quả trong quá trình quản lý, bảo đảm quyền tiếp cận
của người dân với biển.
Cụ thể, Luật quy định các nội dung cụ
thể liên quan tới (i) chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên,
bảo vệ môi trường biển và hải đảo; (ii) điều tra cơ bản, nghiên cứu
khoa học về tài nguyên môi trường biển và hải đảo; (iii) quy hoạch tổng
thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý
tổng hợp tài nguyên vùng bờ; (iv) kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn
dầu, hóa chất độc và nhận chìm ở biển; (v) quan trắc, giám sát tổng hợp
và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và
hải đảo; (vi) hợp tác quốc tế; (vii) và trách nhiệm quản lý tổng hợp tài
nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Để Luật có thể sớm đi vào thực tiễn cuộc
sống, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã và đang tích cực phối hợp
với các Bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ ban hành
hoặc ban hành theo thẩm quyền, bảo đảm hướng dẫn chi tiết thực hiện các
quy định của Luật liên quan tới: Lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện
chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường
biển và hải đảo; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi
trường biển và hải đảo; Cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển
Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; Phạm vi vùng bờ; Các hoạt động
bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển; Lập, thẩm định, phê duyệt,
điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên
vùng bờ; Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chương trình quản lý tổng
hợp tài nguyên vùng bờ; Lập, quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo; Xác định
và thông báo về khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho hoạt động cứu
hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố; Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển;
Cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy
phép nhận chìm ở biển.
Luật KTTV tạo hành lang pháp lý cho quản
lý hoạt động KTTV tập trung, thống nhất phục vụ chung cho phát phát
triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia và phòng, chống
thiên tai
Luật KTTV quy định về hoạt động KTTV
gồm: quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ
liệu; phục vụ, dịch vụ KTTV; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào
thời tiết và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan,
tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KTTV. Luật được áp dụng đối với cơ
quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức
quốc tế tham gia hoạt động KTTV trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Cụ thể, Luật quy định về (i) quản lý,
khai thác mạng lưới trạm KTTV (bao gồm: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch
phát triển mạng lưới trạm KTTV; Quan trắc KTTV; Điều tra, khảo sát KTTV;
Quản lý, bảo vệ công trình KTTV; Quản lý chất lượng phương tiện đo
KTTV); (ii) dự báo, cảnh báo KTTV (bao gồm: Thu thập, xử lý, phân tích,
lưu giữ thông tin, dữ liệu KTTV, giám sát biến đổi khí hậu và các thông
tin, dữ liệu có liên quan trên phạm vi quốc gia, khu vực, thế giới; Xây
dựng, ban hành bản tin dự báo, cảnh báo KTTV; Cung cấp thông tin dự báo,
cảnh báo KTTV; Hướng dẫn khai thác thông tin dự báo, cảnh báo KTTV;
Đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV); (iii) các hoạt động phục vụ,
dịch vụ KTTV (trong đó: Phục vụ KTTV là dịch vụ công không vì mục đích
lợi nhuận, gồm: Cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV, giám sát biến đổi khí
hậu, kịch bản biến đổi khí hậu, tin dự báo, cảnh báo KTTV cho các cơ
quan, tổ chức của Nhà nước phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia;
Cung cấp tin dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV phục vụ phòng, chống thiên
tai, tìm kiếm cứu nạn; Cung cấp tin dự báo, cảnh báo KTTV cho các cơ
quan truyền thông phục vụ cộng đồng không vì mục đích lợi nhuận; Cung
cấp thông tin, dữ liệu KTTV, tin dự báo, cảnh báo KTTV cho nước ngoài,
tổ chức quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là thành viên; Các hoạt động KTTV khác theo yêu cầu của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền. Dịch vụ KTTV là hoạt động có thu trên cơ sở thỏa
thuận giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ, gồm: Cung cấp thông
tin, dữ liệu KTTV, giám sát biến đổi khí hậu, tin dự báo, cảnh báo KTTV
theo yêu cầu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 38;
Xây dựng, cung cấp các sản phẩm thông tin, truyền thông về KTTV, biến
đổi khí hậu; Hướng dẫn sử dụng thông tin, dữ liệu và ứng dụng kết quả
nghiên cứu khoa học và công nghệ về KTTV, giám sát biến đổi khí hậu;
Chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ không sử dụng kinh
phí nhà nước về KTTV, giám sát biến đổi khí hậu; Xây dựng, lắp đặt,
hướng dẫn khai thác công trình, phương tiện đo KTTV; Xây dựng, cung cấp
hệ thống hạ tầng kỹ thuật về dự báo, cảnh báo, truyền tin KTTV; Kiểm
định, hiệu chuẩn, lắp đặt, sửa chữa phương tiện đo KTTV; Hoạt động tư
vấn về KTTV, giám sát biến đổi khí hậu; Đào tạo nguồn nhân lực KTTV,
giám sát biến đổi khí hậu; Các hoạt động khác liên quan đến KTTV, giám
sát biến đổi khí hậu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân); (iv)
tác động vào thời tiết; (v) hợp tác quốc tế về hoạt động KTTV và (vi)
quản lý nhà nước về KTTV.
Bộ TN&MT cũng đã và đang tích cực
phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ ban
hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, bảo đảm hướng dẫn chi tiết thực
hiện các quy định của Luật liên quan tới: Xác định chi tiết nội dung
quan trắc đối với trạm thuộc mạng lưới trạm KTTV quốc gia; Quan trắc
KTTV của các chủ công trình; Thông tin, dữ liệu quan trắc KTTV phải được
cung cấp về hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia và cơ sở dữ liệu
KTTV quốc gia; Hành lang kỹ thuật công trình KTTV; các loại Bản tin và
thời hạn dự báo, cảnh báo KTTV; Dự báo, cảnh báo KTTV của tổ chức, cá
nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia; Các bộ dữ
liệu, chuẩn dữ liệu; tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu KTTV quốc
gia; Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV; Đánh giá khí hậu; Tác
động vào thời tiết; Trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV, giám sát
biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải
đảo và Luật Khí tượng thủy văn có hiệu lực thi hành và đi vào cuộc sống
sẽ góp phần hoàn thiện thể chế pháp lý ngành tài nguyên và môi trường;
tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về biển và hải
đảo cũng như công tác khí tượng thủy văn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng
đa dạng của công tác quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải
đảo; công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí
hậu, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước, bảo vệ chủ
quyền, an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, để hai luật thực sự đi vào
cuộc sống, rất cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, các
cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng xã hội.