Xin chào Khách|   Đăng nhập 
Cải cách hành chính
Công tác chỉ đạo điều hành
Cải cách thể chế
Cải cách thủ tục hành chính
Cải cách tổ chức bộ máy
Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Cải cách tài chính công
Hiện đại hoá hành chính
Cải cách hành chính
Rà soát các quy định pháp luật tài nguyên và môi trường liên quan tới quy định về đầu tư kinh doanh
Vừa qua, Bộ TN&MT đã tổ chức rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và pháp luật về TN&MT có quy định về đầu tư, kinh doanh. Trong đó, vẫn còn các vướng mắc bất cập chủ yếu liên quan tới lĩnh vực đất đai và khoáng sản.
 

Pháp luật đất đai và các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh

Về bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, Khoản 3 Điều 58 Luật đất đai quy định ký quỹ là biện pháp duy nhất để bảo đảm thực hiện dự án đối với trường hợp nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Quy định như vậy đã hạn chế các hình thức bảo đảm thực hiện dự án khác như bảo lãnh, đặt cọc,.. Do vậy, Bộ đề xuất rà soát để sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 58 của Luật đất đai theo hướng mở rộng các hình thức bảo đảm để thực hiện dự án.

Về việc sử dụng đất đối với trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư, quy định tại Điều 48 của Luật đầu tư và Điều 64 của Luật đất đai chưa thống nhất về thời gian gia hạn sử dụng đất khi dự án bị chấm dứt hoạt động; đồng thời cũng chưa quy định rõ mối quan hệ giữa chấm dứt thực hiện dự án đầu tư và thu hồi quyền sử dụng đất. Đối với vướng mắc này, Bộ đề nghị rà soát để sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa quy định của Luật đầu tư và Luật đất đai (Cụ thể: Khi dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định thì chủ đầu tư có thêm một khoảng thời gian để xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, sau đó nếu không tự xử lý được thì Nhà nước mới thực hiện việc thu hồi đất).

Về đấu giả quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, quy định của Luật đất đai, Luật đấu thầu và Luật đầu tư chưa tương thích với nhau, cụ thể: Luật đất đai chỉ quy định các trường hợp phải áp dụng hoặc không áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất; Luật đấu thầu chỉ quy định các trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Luật đầu tư chỉ quy định các trường hợp quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, khi xem xét một trường hợp cụ thể, các địa phương còn lúng túng và khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất hay chỉ định chủ đầu tư). Về nội dung này, Bộ đề nghị rà soát sửa đổi Luật đất đai, Luật đấu thầu và Luật đầu tư để đảm bảo sự tương thích và thống nhất với nhau theo hướng: (i) Đối với dự án có sử dụng đất mà sử dụng 100% nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thì tiêu chí chất lượng và kỹ thuật của dự án đặt lên hàng đầu trong khi đất là của Nhà nước thì áp dụng hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất. (ii) Đối với các dự án có sử dụng đất mà có nguồn vốn tư nhân thì tiêu chí thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được đặt lên hàng đầu; các tiêu chí về chất lượng, kỹ thuật nên để chủ đầu tư tự quyết định theo quy định của pháp luật cho phù hợp với mục tiêu của dự án và số vốn họ bỏ ra. Đối với trường hợp này áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước. (iii) Các trường hợp nhà đầu tư đang sử dụng đất hoặc nhận quyền sử dụng đất hoặc đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dung đất thì được chỉ định chủ đầu tư.

Về việc mở rộng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 Luật đất đai, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp cận đất đai thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất; thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; nhận chuyển nhượng vốn từ tổ chức kinh tế, trong đó giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa, trừ giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi Luật đất đai theo hướng mở rộng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Về vấn đề này đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương Khóa 11 tại Hội nghị thứ 5 và thứ 6. Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ 12, Bộ TN&MT đã kiến nghị thực hiện Đề án thí điểm cho nhà đầu tư nước ngoài nhận góp vốn, nhận thuê quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư.

Về quyền cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm, Luật đất đai chưa có quy định cụ thể về quyền cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm. Do vậy, cần thiết phải bổ sung để đảm bảo sự đồng bộ với Bộ Luật Dân sự, Luật kinh doanh bất động sản.

Pháp luật khoáng sản và các quy định liên quan tới đầu tư, kinh doanh

Qua rà soát Luật khoáng sản năm 2010 và đối chiếu với quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh có một số điểm mới so với Luật khoáng sản năm 2010.

Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay cho Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh); Giấy chứng nhận không ghi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp (Điều 29); ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện trong nội dung Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (trước khi được cấp Giấy chứng nhận) và sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Điều 33). Nội dung này được rà soát, điều chỉnh trong quy định vê trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản cho doanh nghiệp quy định trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một sô điều của Luật khoáng sản. Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành Nghị định này trong tháng 7 năm 2016.

Luật đầu tư năm 2014, cho thấy cần phải rà soát, chỉnh sửa các điều, khoản của Luật khoáng sản năm 2010 cho phù hợp như: Điểm d Khoản 1 và Điểm đ Khoản 4 Điều 59; Điểm c Khoản 1 Điều 70 không nhất thiết phải chỉnh sửa ngay vì Luật đầu tư năm 2014 cũng đã quy định về áp dụng Luật đầu tư và các luật có liên quan. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 4 Luật này quy định “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và Luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điểu kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí”. Mặt khác, nguyên tắc áp dụng pháp luật thì các quy định mới liên quan đến Luật đầu tư năm 2014 thì phải thực hiện theo quy định mới của Luật đầu tư.

CTTĐT


Các bài liên quan
Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước
Bảo đảm tiến độ và chất lượng trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2016
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Khí tượng thủy văn có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016
Kế hoạch Kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016
Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường năm 2016
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Đơn vị chủ quản: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Cơ quan cung cấp thông tin: TBáo TN&MT (04.37738729 - 302)
Giấy phép số: 69/GP-BC do Bộ Văn hóa Thông tin cấp ngày 29/12/2003
©2003 - 2012 Bản quyền thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường
Liên hệ: Số 10 Tôn Thất Thuyết - Hà Nội
ĐT: Bộ Tài nguyên và môi trường (043) 7956868
Cổng Thông tin điện tử (043) 7732732
Fax: (04) 7732732 - Email: portal@monre.gov.vn